banner
Hội thảo: Đầu tư tài chính Internet – Cải tổ và phát triển

06/07/2018 02:06 PM

 Hình ảnh tại đầu cầu Hà Nội, Việt Nam

 

Chương trình Hội thảo được kết nối tới 6 điểm cầu truyền hình tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm: Nhật Bản, Mông Cổ, Hàn Quốc, Thương Hải – Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia. Nội dung Hội thảo được xây dựng và trình bày chính bởi 02 diễn giả đến từ đầu cầu Thượng Hải là Tiến sỹ Zhiquiang Li, tại đầu cầu Việt Nam là Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính thuộc Bộ Tài chính Việt Nam.

Trong khuôn khổ bài trình bày của mình, Tiến sỹ Zhiquiang Li đã nêu bật những nội dung chủ yếu của quá trình phát triển tài chính Internet tại Trung Quốc nói riêng và mối quan hệ với một số nước trên thế giới. Từ năm 1994 đến nay, tốc độ phát triển Internet của Trung Quốc gia tăng ngày càng nhanh chóng, tài chính Internet cũng bắt đầu bùng nổ và được sử dụng rộng rãi với các công cụ thanh toán, mua sắm trực tuyến; tài chính Internet thúc đẩy sự đổi mới thị trường, đồng bộ hệ thống tài chính và hướng tới khách hàng nhiều hơn. Những ví dụ điển hình cho sự gia tăng tài chính Internet được dẫn chứng ra là Alibaba, Ali Finance. Bài trình bày của Tiến sỹ nhận được sự quan tâm từ phía đại biểu tham dự đầu cầu Việt Nam khi những câu hỏi được xoay quanh việc quản lý của Trung Quốc đối với lĩnh vực mới phát sinh này, các công cụ tin học nhằm giám sát được các hoạt động trao đổi trên bình diện tài chính phi trực tiếp, phi truyền thống…

Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng lại đề cập sâu hơn và thấu đáo hơn về xây dựng, phát triển dịch vụ công trực tuyến tài chính với mục đích góp phần xây dựng thành công hệ thống chính phủ tài chính điện tử. Kinh nghiệm tại Bộ Tài chính Việt Nam cho thấy việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mang lại những kết quả tích cực và đã được xây dựng chiến lược thực hiện cho đến năm 2020. Những lĩnh vực thụ hưởng và thực hiện mạnh mẽ nhất dịch vụ công trực tuyến là lĩnh vực Thuế, Hải quan và Chứng khoán. Một nội dung quan trọng được nhiều đầu cầu quan tâm là việc Việt Nam ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến và hệ thống GFMIS như một yếu tố nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính công, tăng cường năng lực quản lý giám sát chính sách tài chính và cung cấp các dịch vụ công đến người dân và doanh nghiệp nhiều hơn.

 

TH. Quang Ảnh