banner
Giám sát tài chính DNNN: Mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu

06/07/2018 02:19 PM

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết: “Giám sát tài chính được xem như là một trong những biện pháp quản lý, trong đó chủ sở hữu thông qua các hình thức, phương thức và các chỉ tiêu giám sát để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá của mình đối với các hoạt động của doanh nghiệp (DN). Qua đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và phát hiện những rủi ro để cảnh báo DN. Mục tiêu cuối cùng của giám sát tài chính là nhằm bảo toàn và phát triển số vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào DN”.

Ở Việt Nam, tính đến đầu năm 2016, nhà nước đang đầu tư vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp, trong đó có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và 248 doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khoảng hơn 3,1 triệu tỷ đồng, với hệ số vốn sở hữu khoảng 40%. Trong năm 2014, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty là 16%; của khối DN độc lập thuộc bộ và UBND cấp tỉnh 10%.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát tài chính tại các DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong những năm qua còn nhiều hạn chế, cơ chế phân cấp trong thực hiện các quyền sở hữu tại DNNN vừa phân tán, vừa chồng chéo; giám sát vốn nhà nước đầu tư tại DN chưa chặt chẽ, hiệu quả giám sát chưa cao; công tác giám sát tài chính được thực hiện chủ yếu đối với các đối tượng trực tiếp sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động kinh doanh, chưa chú trọng đến giám sát quá trình thực thi chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước…

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam để khắc phục những hạn chế trong giám sát tài chính đối với DNNN, GS.TS. Văn Tông Du, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài chính, Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng: "Các DNNN cần thiết phải báo cáo số liệu tài vụ hàng tháng, quý, năm cho Bộ Tài chính để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua phân tích số liệu, Bộ Tài chính có thể dự đoán biến động và xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp".

"Ngoài ra, một biện pháp cần thiết khác cần thực hiện là cho phép quản lý kinh doanh vốn Nhà nước thông qua mức độ nộp ngân sách của DNNN, trong đó có quản lý dự toán thu và chi đối với kinh doanh vốn Nhà nước. Việc quản lý dự toán thu chủ yếu dựa vào số liệu nộp lãi sau thuế của doanh nghiệp", GS.TS Văn Tông Du nhấn mạnh.

Để góp phần làm rõ những vướng mắc, khó khăn cũng như tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn nữa trong công tác giám sát tài chính DNNN và DN có vốn nhà nước trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí đề nghị, cần đánh giá thực trạng giám sát tài chính tại các DNNN và DN có vốn nhà nước trên các nội dung: chủ thể giám sát, nội dung giám sát, hình thức giám sát, phương thức giám sát, chỉ tiêu giám sát… Qua đó, chỉ ra những kết quả đạt được, cũng như những bất cập trong cơ chế giám sát tài chính hiện hành./.

Trong những năm qua, công tác giám sát tài chính DNNN và DN có vốn nhà nước cũng đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Hệ thống cơ chế, chính sách để thực hiện quản lý và giám sát vốn đầu tư tại DNNN đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành đồng bộ và liên tục được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đã phần nào hạn chế được rủi ro thất thoát trong quản lý, đầu tư vốn tại DNNN. Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN đã được xác lập rõ hơn. Phương thức quản lý, giám sát được thay đổi gắn với phân loại, đánh giá doanh nghiệp.