banner
Thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng

24/05/2023 12:16 PM

Ngày 25/11/2021, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Vụ Các trường chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo trực tuyến, với chủ đề “Cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng” và hội nghị tổng kết Cụm thi đua năm 2021.

Tham dự hội thảo có PGS. TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo Vụ Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức thuộc Bộ Nội vụ, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Tài chính và hơn 100 đại biểu, diễn giả tại gần 30 điểm cầu trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính Đỗ Văn Trường cho biết, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các phong trào thi đua năm 2021 của Cụm thi đua các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường cán bộ các bộ, ngành, đoàn thể và nằm trong chương trình nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao năm 2021.

Cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng
Các đại biểu tham dự, thảo luận tại cuộc hội thảo về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng. Ảnh: Đức Minh

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những vướng mắc, khó khăn của các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng trong cả nước nói chung và các trường chính trị địa phương, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành, đoàn thể trung ương nói riêng trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cũng theo ông Đỗ Văn Trường, đây là diễn đàn để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và trường chính trị cùng các cơ quan quản lý thuộc Bộ Tài chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi thực tiễn, đề xuất những kiến nghị, giải pháp có tính thực tế cao để triển khai hiệu quả, thành công Nghị định 60/2021/NĐ-CP, cũng như thúc đẩy cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng.

Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và các trường chính trị tại địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Cũng theo ông Đỗ Văn Trường, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ban hành có nhiều đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP với quy định mới, chi tiết hơn về phân loại mức tự chủ tài chính; nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính; tự chủ tài chính, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập,… tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng triển khai cơ chế hoạt động của mình.

Theo Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, việc tổ chức hội thảo hết sức có ý nghĩa trong việc trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, thành tựu và khó khăn trong quá trình quản lý tài chính của các đơn vị, từ đó có những đề xuất phù hợp để báo cáo các cơ quan hoạch định chính sách.

Chính vì vậy, để góp phần làm rõ những thuận lợi, khó khăn và những thách thức mà các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các trường chính trị tỉnh/thành phố nói riêng đang gặp phải, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung trao đổi về một số nội dung.

Cụ thể như: đánh giá thực trạng, kết quả đạt được và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý tài chính tại các cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc bộ, ngành và các trường chính trị tỉnh/thành phố trong thời gian qua.

Đồng thời, hội thảo cũng làm rõ những điểm mới, quan điểm và định hướng tổ chức thực hiện những nội dung cơ bản của Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu đề xuất, kiến nghị về bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách của Nhà nước nhằm đảm bảo các điều kiện triển khai cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở trung ương và địa phương./.

Theo: TBTC