banner
Báo cáo công tác 2010

16/07/2018 03:58 PM

BÁO CÁO TỔNG KẾT

CÔNG TÁC ĐTBD CÔNG CHỨC NGÀNH TÀI CHÍNH NĂM 2010

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2011

(Phần do Trường BDCB tài chính đảm nhiệm)

 

 I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC NGÀNH TÀI CHÍNH NĂM 2010

1.1 Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch ĐTBD năm 2010

1.1.1 Thực hiện kế hoạch mở lớp

a) Về tổ chức ĐTBD trong kế hoạch từ nguồn kinh phí NSNN

Năm 2010, Trường BDCB tài chính đã tổ chức được 63 lớp với 4.336 học viên theo các loại hình bồi dưỡng như sau:

1) Bồi dưỡng kiến thức LLCTCC và kiến thức QLNN: Trường đã hoàn thành kế hoạch được giao với việc tổ chức được 2 khóa LLCTCC với 230 học viên, trong đó có 180 học viên ngành Tài chính; tổ chức được 6 lớp QLNN ngạch CVC với 348 học viên; 5 lớp QLNN ngạch CV với 365 học viên.

2) Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý: Tổ chức được 9 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng, cấp Cục và cấp Chi cục với tổng số 253 học viên, hoàn thành theo kế hoạch được giao.

3) Về bồi dưỡng kiến thức chuyên môn: Kế hoạch giao 20 lớp; Trường đã tổ chức được 27 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức kinh tế tài chính ở các địa phương cho cán bộ công chức trong ngành Thuế và Hải Quan với 2.367 học viên, tăng gấp hơn 2 lần năm 2009.

4) Các lớp bồi dưỡng khác: Trường đã tổ chức được 02 lớp bồi dưỡng kiến thức phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; 01 lớp kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế; 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn; 01 lớp bồi dưỡng kiến thức an ninh – quốc phòng. Phối hợp với Văn phòng Đảng uỷ tổ chức được 4 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và đối tượng kết nạp đảng (trong đó có 2 lớp của năm 2009 chuyển sang).

 b) Hoạt động ĐTBD ngoài kinh phí ngân sách cấp:

Năm 2010, Trường đã tổ chức được 66 lớp với hơn 4 nghìn học viên, bao gồm nhiều loại hình bồi dưỡng như:

- Các lớp QLNN: tổ chức được 15 lớp cho cán bộ công chức ngành Tài chính, trong đó ngạch CV và CVC được 13 lớp, TCV được 02 lớp

- Các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý các cấp được 10 lớp

- Các loại hình khác như: chủ tài khoản, thị trường chứng khoán, cập nhật kiến thức kinh tế - tài chính mỗi loại được từ 2-3 lớp.

c) Tổ chức các hoạt động ĐTBD ở nước ngoài:

Năm 2010, Trường BDCB tài chính đã tổ chức được một số khóa ĐTBD ở nước ngoài như sau:

- Phối hợp với AFDC (Trung Quốc) tổ chức 02 khóa học tại Trung Quốc cho cán bộ của Bộ Tài chính Việt Nam liên quan đến “Quản lý tài chính – ngân sách an sinh xã hội” (tháng 6/2010) và “Quản lý thị trường vốn, thị trường tài chính” (tháng 1/2011).

- Tổ chức  khóa học “Quản lý tài chính công và quản lý, đào tạo nguồn nhân lực” tại Viện Phát triển kinh tế và Quản lý công (IGPDE) thuộc Bộ Kinh tế - Tài chính Pháp (tháng 10/2010).

 - Tổ chức khoá học “Quản lý tài chính công và lãnh đạo, quản lý” tại Hàn Quốc (tháng 12/2010).

2. Ngoài các khóa đào tạo tại nước ngoài, trường đã tổ chức 01 khóa đào tạo bồi dưỡng trong nước về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho các bộ lãnh đạo cấp Phòng của Bộ Tài chính do giảng viên nước ngoài giảng dạy có chất lượng tốt.

3. Bên cạnh đó, Trường BDCB tài chính cũng đã chủ động tổ chức nhiều hội thảo có yếu tố quốc tế phục vụ cho hoạt động hoạch định chính sách và hoạt động ĐTBD như sau: 

- Phối hợp với Dự án Hỗ trợ Phân tích chính sách tài chính tổ chức thành công Hội thảo “Chính sách tài chính thời kỳ hậu khủng hoảng” (tháng 1/2010).

Phối hợp với  AFDC (Trung Quốc) tổ chức thành công 02 Hội thảo quốc tế tại Việt Nam về “Chính sách tài chính cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân” (tháng 6/2010) và “Chính sách tài khóa ứng phó với biến đổi khi hậu và vai trò của Bộ Tài chính” (11/2010).

- Phối với Vụ HTQT và Viện Chiến lược và chính sách tài chính tổ chức thành công Chương trình đối thoại chính sách Việt Nam – Hàn Quốc: “Chính sách tài chính thời kỳ hậu khủng hoảng và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài” (tháng 7/2010) tại Hà Nội.

4. Để phục vụ và đẩy mạnh công tác ĐTBD có yếu tố nước ngoài, Trường đã tăng cường và củng cố các hoạt động HTQT về lĩnh vực ĐTBD như:

- Đã trao đổi và xây dựng Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường BDCB tài chính và IGDPE nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ CBCC Bộ Tài chính hai nước.

- Tham gia xây dựng nội dung Tài liệu định hướng hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và GIP Adetef liên quan đến cấu phần ĐTBD. Nội dung này dựa trên Thỏa thuận hợp tác khung giai đoạn 2011 – 2013 đã được Lãnh đạo hai Cơ quan ký vào tháng 8/2010.

 - Trao đổi với phía Hàn Quốc (Viện Phát triển) và Vụ Hợp tác quốc tế về phương thức và nội dung hợp tác giữa Trường BDCB tài chính và Viện Phát triển Hàn Quốc.

- Duy trì và đề xuất với Ngân hàng Thế giới về các dự án trong những năm 2010, 2011 về hỗ trợ tổ chức các hội thảo, tổ chức các buổi đối thoại; Đề xuất với các Dự án về các chương trình ĐTBD tại nước ngoài năm 2011.

1.1.2 Về xây dựng nội dung chương trình và biên soạn tài liệu

Đã chủ động chủ trì tổ chức xây dựng các chương trình bồi dưỡng như sau:

- Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức kinh tế tài chính năm 2010.

- Chương trình bồi dưỡng kiến thức về phòng chống tham nhũng và thực hàmh tiết kiệm chống lãng phí.

- Chuẩn bị những điều kiện để triển khai xây dựng Chương trình bồi dưỡng công chức tài chính kế toán xã theo Đề án 1956.

- Để triển khai các hoạt động ĐTBD khác, Trường đã tổ chức biên soạn các tài liệu: Bồi dưỡng kiến thức tài chính – kế toán cho chủ tài khoản, kế toán và thủ quỹ đơn vị HCSN; Bồi dưỡng kiến thức cho kế toán ngân sách xã; Bồi dưỡng kiến thức về quản lý vốn đầu tư XDCB.

- Phối hợp với Vụ TCCB trình Bộ phê duyệt các chương trình bồi dưỡng theo Đề án 1031.

1.1.3 Một số công tác khác

- Phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai các công việc của Đề án khảo sát nhu cầu đào tạo phục vụ xây dựng chiến lược ĐTBD CBCC đến năm 2020.

- Chủ động xây dựng kế hoạch ĐTBD CCVC ngành Tài chính giai đoạn 2011 2015 trình Bộ (Phần do Trường đảm nhận).

1.2 Đánh giá

1.2.1 Những mặt tích cực

- Nhìn chung, các hoạt động ĐTBD đã được triển khai đúng theo kế hoạch và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có những nhiệm vụ hoàn thành vượt mức (Bồi dưỡng cập nhật kiến thức). Điều này thể hiện sự cố gắng và quyết tâm của đội ngũ CBCC trong Trường.

- Trong việc thực hiện nhiệm vụ ĐTBD: quy mô bồi dưỡng kiến thức QLNN từ nguồn kinh phí tự chủ ngoài kế hoạch có xu hướng tăng nhanh. Điều này thể hiện nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức là rất lớn. Bên cạnh đó, quy mô ĐTBD chuyên môn cũng ngày càng được chú trọng với quy mô học viên và số lớp tăng nhanh. 

- Chất lượng các khóa ĐTBD đã được nâng lên, thể hiện ở khâu tổ chức quá trình ĐTBD, từ việc xây dựng chương trình đến tổ chức học tập, bố trí lực lượng giảng viên, chuẩn bị tài liệu học tập, tổ chức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả,…Tất cả đều được chuẩn bị và tổ chức theo hướng dần mang tính chuyên nghiệp. Trong các khâu đó, chất lượng đội ngũ giảng viên ngày càng được chú trọng và nâng cao.

- Công tác quản lý ĐTBD cũng được cải tiến dần theo hướng chuyên nghiệp: bám sát nhu cầu, tạo tính chủ động, tự giác và sự tôn trọng học viên đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy chế ĐTBD.

1.2.2 Những tồn tại, hạn chế

- Quy mô ĐTBD còn nhỏ, chưa đáp ứng căn bản nhu cầu ĐTBD đội ngũ CBCC trong toàn ngành, đặc biệt là hoạt động ĐTBD theo tiêu chuẩn ngạch công chức.

- Chương trình ĐTBD mới còn ít, đặc biệt là các chương trình bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức mặc dù được chuẩn bị khá chu đáo, nhưng nội dung thường có tính chất ngắn hạn, sớm bị lạc hậu nên quá trình tổ chức bồi dưỡng cũng gặp khó khăn; Việc huy động đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực tài chính cũng bị động.

- Việc tổ chức các khóa ĐTBD ở trong nước có yếu tố nước ngoài, có thể nói là rất chất lượng, song quy mô còn quá nhỏ do hạn chế về nguồn tài chính. Một số hoạt động HTQT còn bị động; Trường chưa vươn lên để chủ trì tổ chức các khóa ĐTBD ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước (Đề án 165).

- Sự phối kết hợp trong hoạt động ĐTBD giữa Trường BDCB tài chính với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng chưa thật sự được quan tâm và chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Đánh giá chung

Năm 2010 vẫn là một năm khó khăn trong quá trình hoạt động của Trường, song tập thể CBCC, VC trong toàn Trường đã nỗ lực, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng tiến độ, đúng kế hoạch, có kết quả với chất lư­ợng dần được nâng cao.

Tuy vậy, do nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, đội ngũ CBCC còn thiếu, đặc biệt là cấp lãnh đạo từ Trường đến các phòng khoa, năng lực của một số cán bộ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu, lại không được ĐTBD một cách bài bản nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

 

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐTBD CCVC NGÀNH TÀI CHÍNH ĐẾN NĂM 2010

2.1 Tình hình và kế quả triển khai thực hiện Đề án 1031

2.1.1 Về xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu

Trên cơ sở Quyết định 1031/QĐ-BTC ngày 14/2/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt Đề án “ĐTBD công chức, viên chức ngành Tài chính đến năm 2010 (Đề án 1031), Giám đốc Trường BDCB tài chính đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-BDCB ngày 20/3/2007 về việc thành lập Ban triển khai thực hiện đề án nói trên. Sau khi được giao nhiệm vụ, các thành viên của đề án đã tham gia triển khai bước công việc như sau:

- Trên cơ sở rà soát các chương trình đã có để xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết triển khai đề án;

- Xây dựng dự toán kinh phí đáp ứng yêu cầu triển khai kế hoạch thực hiện Đề án;

- Tổ chức các cuộc hội thảo về việc xây dựng chương trình;

- Lấy ý kiến của người học và các đơn vị sử dụng cán bộ về nhu cầu đào tạo;

- Phối hợp với các đơn vị lien quan tổ chức được 02 đoàn khảo sát tại Singapore và Úc;

- Trên cơ sở nhu cầu người học và thu thập kinh nghiệm khảo sát nước ngoài, tiến hành xây dựng và biên soạn 07 chương trình tổ chức thẩm định.

Đến ngày 10/5/2010, Trường đã trình Bộ đã phê duyệt bộ tài liệu gồm 7 chương trình của Đề án, trong bao gồm: 04 chương trình ĐTBD công chức lãnh đạo, quy hoạch lãnh đạo các cấp (Cấp Vụ, Ban, Chi cục và cấp phòng); Chương trình bồi dưỡng kỹ năng hoạch định chính sách; Chương trình bồi dưỡng kiến thức về quản lý nợ Chính phủ; Chường trình bồi dưỡng kiến thức về KTTT và Hội nhập kinh tế quốc tế.

2.2 Về kết quả mở lớp

Sau 04 năm triển khai đề án Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành tài chính, từ năm 2007 đến năm 2010, Trường BDCB tài chính đã triển khai được nhiều lớp ĐTBD cho các loại hình cán bộ lãnh đạo quản lý (Xem Phụ lục).

Nhìn chung, số lượt công chức được ĐTBD tăng nhanh qua các năm: năm 2006 đạt 3.930 người; năm 2007 đạt 5.508 người; năm 2008 đạt 5.163 người; năm 2009 đạt 6.062 người và năm 2010 đạt 4.381 người. Tổng cộng cả giai đoạn 2006-2010 số lượt công chức được Trường tổ chức ĐTBD đạt gần 30.000 người, chiếm 12% trong toàn ngành Tài chính. Trong tổng số CBCC được ĐTBD, loại hình ĐTBD kiến thức QLNN đạt gần 9 nghìn người, chiếm 60%; ĐTBD chuyên môn nghiệp vụ 16.146 người, chiếm 7% số lượng trong toàn ngành, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý được 1.368 người.

Hiện tại trong toàn ngành đã có 3.248 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp (4,8%); 21.258 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp (31,5%).

2.2 Đánh giá

2.2.1 Những thành tựu đạt được

- Trường BDCB tài chính đã chủ động phối hợp với Vụ TCCB và các đơn vị liên quan triển khai đề án, có các biện pháp, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện đề án. Quá trình thực hiện đề án đảm bảo đúng trình tự, qua các bước cần thiết, đáp ứng được các yêu cầu về nội dung, phù hợp với các đối tượng ĐTBD.

- Chất lượng tài liệu biên soạn được đảm bảo. Qua khảo sát lấy ý kiến của người học về một số chương trình, trên 90% ý kiến của học viên đánh giá nội dung tài liệu đã đảm bảo các yêu cầu cần thiết. Trong quá trình thực hiện đã kịp thời phản ánh ý kiến học viên về việc sửa đổi, bổ sung chương trình, giúp ban biên soạn kịp thời hoàn thiện trước khi phê duyệt.

- Hoạt động đào tạo bồi dưỡng đã góp phần nâng cao trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ công chức ngành Tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác đào tạo bồi dưỡng không chỉ trực tiếp nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn góp phần rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức tác phong của đội ngũ cán bộ tài chính.

- Đã huy động được đội ngũ giảng viên và cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm từ các Học viện, Trường Đại học, Viện nghiên cứu và cán bộ của các Bộ, ngành khác liên quan tham gia vào hoạt động ĐTBD; Tích cực mời các giảng viên kiêm chức ở các Tổng cục, Cục, Vụ của Bộ Tài chính có kinh nghiệm lâu năm trong các lĩnh vực hoạch định chính sách và kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy cho các khóa bồi dưỡng chuyên sâu. Phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên đã được đổi mới, nhiều giảng viên đã kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại, đồng thời chuyển sang sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp trao đổi nhóm để nâng cao chất lượng giảng dạy.

- Công tác tổ chức quản lý ĐTBD ngày càng chuyên nghiệp hơn theo một quy trình từ khâu xác định nhu cầu của người học đến khâu kết thúc một khoá học. Qua phiếu đánh giá của học viên, công tác tổ chức quản lý của Trường rất nghiêm túc, bài bản, công bằng và công khai.

2.2.2 Những hạn chế, tồn tại

1) Về tiến độ triển khai đề án

Có thể nói tiến độ thực hiện đề án rất chậm so với kế hoạch đề ra. Đến 5/2010 gần hết thời gian thực hiện đề án nhưng mới được Bộ phê duyệt 07 chương trình; Nhiều chương trình đến nay vẫn chưa được xây dựng và chưa đưa vào thực hiện. Một số tài liệu đã được phê duyệt để đưa vào sử dụng, song đến thời điểm hiện tại đã bị lạc hậu, cần phải cập nhật và bổ sung thêm. Bên cạnh đó, nhiều chương trình đã được phê duyệt, song sẽ không được phân cấp trong việc tổ chức ĐTBD như Nghị định 18 đã quy định (chương trình bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo cấp Vụ, Sở).

Nguyên nhân tình hình trên là do lực lượng cán bộ tham gia xây dựng chương trình mỏng, các chương trình đòi hỏi phải được xây dựng mới, bài bản, có tính kế thừa, tính ổn định lâu dài...

2)    Quy mô đào tạo bồi dưỡng

Công tác đào tạo cán bộ còn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo, còn một bộ phận lớn đội ngũ công chức chưa được tham dự các khóa bồi dưỡng hàng năm. Đến năm 2010, số lượng ĐTBD kiến thức về QLNN mới đáp ứng được 45%nhu cầu; Số lượng cán bộ được bồi dưỡng theo chức danh, tiêu chuẩn trong toàn hệ thống đạt tỷ lệ rất thấp – 0,5% so với nhu cầu đặt ra; Tỷ lệ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mặc dù chiếm cơ cấu chủ yếu, song chỉ đạt mức 0,3% so với nhu cầu và tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần. Nếu tính quy mô ĐTBD chung của Trường thì vẫn còn nhỏ so với nhu cầu ĐTBD của toàn ngành (khoảng trên 10%), nhiều loại hình ĐTBD về nghiệp vụ chuyên ngành chưa được triển khai.

3)    Nội dung chương trình

Nội dung chương trình ĐTBD mặc dù đã có nhiều cố gắng đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời và phù hợp cho từng đối tượng đào tạo bồi dưỡng, cụ thể:

- Chương trình bồi dưỡng kiến thức QLNN chưa phân định rõ yêu cầu cho từng cấp độ đào tạo bồi dưỡng và bị trùng lắp về nội dung giữa các cấp độ: chuyên viên, chuyên viên chính, CVCC. Nội dung ĐTBD vẫn thiên về bồi dưỡng kiến thức mà chưa quan tâm đến kỹ năng công vụ, thiếu bài tập tình huống.[1] Mặt khác, thời gian học tập 3 tháng được coi là dài quá mức cần thiết, vì nhiều chuyên đề đã được đào tạo rất kỹ ở chương trình Tiền Công vụ. Giáo trình, tài liệu học tập đối với chương trình QLNN rất cũ, thiếu cập nhật, chậm đổi mới. Hàng năm, Trường đã sử dụng nguồn kinh phí lớn để mua tài liệu học tập cho học viên, đặc biệt là các lớp chuyên viên, chuyên viên chính, tuy nhiên tài liệu không được sử dụng và nếu có nhu cầu cũng không sử dụng được, gây một sự lãng phí lớn về kinh phí mua tài liệu.

- Chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo quản lý còn nặng về đào tạo kiến thức chung, thiếu kiến thức kinh nghiệm lãnh đạo trong thực tiễn nên khả năng, kỹ năng lãnh đạo của đội ngũ công chức vẫn còn lúng túng.

- Chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tuy có nhiều cố gắng trong việc thiết kế nội dung chương trình bồi dưỡng theo từng vị trí việc làm, song các chương trình này còn ít và còn nhiều vị trí công việc có liên quan đến hoạt động quản lý chuyên môn của ngành tài chính vẫn chưa được bồi dưỡng như: quản lý nợ, quản lý công sản, quản lý vốn và quản lý tài chính các công ty nhà nước, quản lý giá…

- Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường có tính chất ngắn hạn, nên nội dung sớm bị lạc hậu. Việc biên soạn gặp nhiều khó khăn do bị động bởi sự tham gia của nhiều đơn vị, thời gian kéo dài, dẫn đến quá trình tổ chức bồi dưỡng cũng gặp khó khăn. Kiến thức về những vấn đề mới trong lĩnh vực kinh tế tài chính chưa thật sự phù hợp với mọi đối tượng, mọi lĩnh vực tham gia bồi dưỡng cập nhật.

4)    Về đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy ĐTBD

- Thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu, đặc biệt là giảng viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao; Thiếu cơ chế để tìm được giảng viên tốt. Một số giảng viên cơ hữu vẫn chưa đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng đào tạo còn hạn chế.

- Đội ngũ giảng viên kiêm chức, giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tế khá nhiều nhưng không có thời gian và điều kiện tham gia công tác giảng dạy. Điều đó dẫn tới tình trạng bị động trong việc thực hiện kế hoạch mở lớp. Nhiều giảng viên kiêm chức công tác tại Bộ Tài chính có kiến thức và kinh nghiệm tốt nhưng lại yếu về phương pháp giảng dạy.

5) Về công tác tổ chức quản lý đào tạo bồi dưỡng

- Việc tổ chức mỗi khóa học có số lượng học viên đông (do định mức phân bổ kinh phí) thường là 80 học viên, có lớp lên đến 100 hoặc 150 học viên đã gây nhiều khó khăn và bất cập: (i) khó sử dụng phương pháp làm việc nhóm hay thảo luận tổ, vì như thế sẽ không đủ thời gian để đạt được mục tiêu bài giảng. Để khắc phục nhiều giảng viên đã sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống như phương pháp thuyết trình, do vậy các học viên lại ít có cơ hội thực hành hoặc trao đổi học tập; (ii) công tác quản lý học viên gặp nhiều khó khăn và (iii) gây tư tưởng đối phó trong học viên.

- Các lớp học tổ chức gần nơi công tác của học viên nhằm tạo thuận lợi cho học viên vừa đi học, vừa đảm nhiệm công việc chuyên môn, nhưng lại gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập.

- Lực lượng cán bộ, viên chức làm công tác quản lý đào tạo bồi dưỡng vừa thiếu, vùa yếu, vừa không được đào tạo bồi dưỡng. Số cán bộ có năng lực làm công tác ĐTBD còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, chuyên ngành đào tạo lại không phù hợp, đặc biệt là thiếu cán bộ có năng lực xây dựng chương trình, nội dung ĐTBD.

6) Về đào tạo bồi dưỡng có yếu tố nước ngoài

- Các khóa ĐTBD có yếu tố nước ngoài được tổ chức còn ít, chưa được đầu tư thích đáng, thiếu chiến lược và lộ trình thực hiện, hoạt động về cơ bản mang tính tự phát.

- Nội dung các chương trình được nghiên cứu xây dựng khá công phu và nghiêm túc, song nhiều nội dung còn bị chồng chéo và trùng lắp với các khóa đào tạo khác của Bộ (do các dự án, các tổ chức quốc tế tài trợ). Bên cạnh đó, các chương trình còn thiên về kiến thức, chưa coi trọng bồi dưỡng kỹ năng, đặc biệt thời gian dành cho khảo sát thực tế trong 1 khóa học còn chưa được chú trọng nhiều.

- Đối tượng học viên tham dự khóa học đôi khi chưa phù hợp, nhiều trường hợp được cử đi học vì lý do chính sách nên làm giảm hiệu quả học tập, gây lãng phí. Trình độ ngoại ngữ của học viên cũng hạn chế nên việc tiếp cận với tài liệu học tập, nghe giảng và trao đổi thảo luận cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy mà hiệu quả ĐTBD chưa được cao.

- Giảng viên do sự khác biệt về ngôn ngữ và địa lý nên nhiều khi việc truyền tải, hoặc trao đổi cả trong và sau khó học gặp nhiều khó khăn, nội dung tiếp nhận được từ khóa học không lớn. Các tài liệu học tập mặc dù được chuẩn bị kỹ lượng trước khóa học, song phải giảng dạy qua phiên dich, vừa tốn kém nhưng hiệu quả khai thác, sử dụng lâu dài lại hạn chế.

- Các khóa học trong nước mời chuyên gia từ nước ngoài đến giảng mặc dù rất hiệu quả, nhưng chi phí đầu tư lớn nên không thể tổ chức mang tính phổ cập.

7) Về tổ chức công tác đào tạo bồi dưỡng

- Hệ thống tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong ngành khá nhiều, mỗi đơn vị trực thuộc Bộ đều có trường bồi dưỡng nghiệp vụ bên cạnh Trường của Bộ, song toàn hệ thống lại nhỏ bé và manh mún. Tính trung bình tỷ lệ cán bộ công chức trên đầu một cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong ngành là rất thấp.

- Việc thực hiện quy chế phân công, phân cấp đào tạo bồi dưỡng chưa thật tốt, có hiện tượng chồng chéo về nội dung và đối tượng đào tạo bồi dưỡng giữa Trường BDCB tài chính với các các Trường nghiệp vụ của các Tổng cục.

- Chưa có cơ chế bắt buộc, ràng buộc chặt chẽ đối với công chức tham gia đào tạo bồi dưỡng. Bên cạnh số học viên nghiêm túc trong học tập vẫn còn một bộ phận công chức, trong đó có một số lãnh đạo chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng và chưa đặt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ngang tầm với các nhiệm vụ chuyên môn khác nên thiếu sự quan tâm, cộng tác và tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng.

2.2.3 Nguyên nhân

1. Nhiều nội dung chương trình và tài liệu ĐTBD đã cũ nhưng chậm được đổi mới.  Một bộ phận lớn các tài liệu ĐTBD, đặc biệt là tài liệu về LLCT và QLNN đã rất cũ và lỗi thời những vẫn tiếp tục được tái bản sử dụng, gây tình trạng lãng phí nguồn kinh phí đào tạo.

2. Chất lượng một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động giảng dạy và quản lý hoạt động bồi dưỡng không theo kịp đòi hỏi, công tác tổ chức quản lý còn bất cập.

Việc tổ chức các khóa QLNN với số lượng học viên đông (trung bình 80 học viên/lớp) đưa đến tình trạng là không thể áp dụng được phương pháp giảng dạy mới, hiện đại; mặt khác gây khó khăn cho công tác quản lý lớp.

Đội ngũ viên chức của Trường, mặc dù có nhiều cố gắng song đa số thiếu kinh nghiệm và khả năng chuyên môn; Một số giảng viên kiêm chức của Trường chưa thật sự tâm huyết với hoạt động bồi dưỡng công chức, nên chưa nhiệt tình tham gia.

3. Tinh thần, thái độ của một bộ phận công chức được cử đi học còn chưa nghiêm túc

Một số đối tượng công chức trong diện được đào tạo bồi dưỡng hàng năm chưa mặn mà với việc học tập, nâng cao trình độ, một số khác có biểu hiện chỉ tham gia các lớp có liên quan đến việc xét tăng lương hoặc đề bạt chức danh quản lý, coi nhẹ công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, thoả mãn với kiến thức đã có.

4. Cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính; trang thiết bị thiếu, không đồng bộ, lạc hậu; cơ chế tài chính thiếu khuyến khích các hoạt động ĐTBD.

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động ĐTBD chưa đáp ứng được yêu cầu; trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy học tập còn thiếu nhiều hoặc không có. Nhìn chung cơ sở vật chất và trang thiết bị không đáp ứng theo chuẩn mực chung. Cơ chế tài chính mặc dù thường xuyên sửa đổi, bổ sung song không theo kịp với thực tiễn hoạt động ĐTBD.

Đánh giá chung

Hơn 5 năm qua, công tác ĐTBD công chức ngành Tài chính do Trường đảm nhận về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, hơn 6 vạn lượt công chức đã được ĐTBD, nhờ đó trình độ và năng lực của đội ngũ công chức đã được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Tài chính.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của đất nước theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đang đặt những nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ công chức. Do vậy, hoạt động ĐTBD công chức phải được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

 

 

III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CBCC NGÀNH TÀI CHÍNH NĂM 2011

 

3.1 Đinh hướng kế hoạch ĐTBD năm 2011

          3.1.1 Về khối lượng và quy mô ĐTBD

Năm 2011 Trường BDCB tài chính được Bộ phê duyệt giao kế hoạch  (QĐ 3241/QĐ-BTC ngày 10/12/2010) về tổ chức các chương trình ĐTBD như sau:

-  Tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức LLCTCC, ngoài 2 lớp như hiện nay sẽ bổ sung thêm 01 lớp với 80 học viên; bồi dưỡng kiến thức QLNN, trong đó có 7 lớp ngạch CVC và 7 lớp ngạch CV; 02 lớp TCV.

-  Tiếp tục tổ chức ĐTBD kiến thức kỹ năng lãnh đạo quản lý các cấp với tổng số 13 lớp, nhiều hơn năm 2010.

-  Đẩy mạnh ĐTBD kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành Tài chính, trong đó tăng số lớp cập nhật kiến thức lên 30 lớp, đồng thời triển khai và đẩy mạnh bồi dưỡng theo các chương trình mới (bồi dưỡng kiến thức về thanh tra, kỹ năng hoạch định chính sách, kiến thức về thị trường tài chính, kiến thức phòng chống tham nhũng và bồi dưỡng phương pháp xây dựng khung năng lực) với tổng số 18 lớp.

- Tổ chức ĐTBD cho cán bộ tài chính địa phương theo Đề án 3179 được Bộ phê duyệt.

- Phối hợp Đảng ủy và Công đoàn Bộ tổ chức 06 lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng và Công đoàn theo yêu cầu.

- Tiếp tục và tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo: tổ chức 02 khóa học tập tại nước ngoài theo kế hoạch của Bộ Nội vụ; 02 khóa tại Trung Quốc theo các nội dung hợp tác với AFDC, các khóa ĐTBD trong thỏa thuận với ADTED và mốt số khóa học khác theo chương trình hợp tác của Trường.

3.1.2. Về biên soạn nội dung, chương trình và tài liệu ĐTBD

- Đối với tài liệu bồi dưỡng kiến thức QLNN theo các ngạch CVC, CV: Theo Nghị định 18/2010/NĐ-CP ngày 5/3/2010 của Chính phủ quy định: trên cơ sở chương trình khung của Bộ Nội vụ, các cơ sở ĐTBD của Bộ tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên; ngạch chuyên viên chính theo chương trình do Bộ Nội vụ ban hành. Vì vậy, Trường phải tổ chức biên soạn tài liệu này.

- Tài liệu bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo quản lý: Theo quy định hiện nay, Trường BDCB tài chính tổ chức tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng theo chương trình do Bộ Nội vụ ban hành. Vì vậy, trên cơ sở tài liệu của Đề án 1031, trường cần tiến hành bổ sung và hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Phòng cho phù hợp những quy định mới.

- Tài liệu bồi dưỡng về chuyên môn: Trước mắt, tập trung biên soạn tài liệu cập nhật kiến thức kinh tế tài chính 2011; Bên cạnh đó tiếp tục bien soạn tài liệu chuyên môn thuộc Đề án 1031 (trong khi chưa có đề án mới, đồng thời tiến tới xây dựng một số tài liệu chuyên môn được giao khác.

- Tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ tài chính địa phương theo Đề án 3179 đã được Bộ phê duyệt.

- Tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng công chức tài chính kế toán xã theo đề án 1956.

- Tổ chức biên soạn tài liệu ĐTBD có yêu tố nước ngoài cho cán bộ cấp Phòng (khi được chuyển giao công nghệ).

Như vậy, kế hoạch năm 2011 của Trường BDCB tài chính là rất nặng, không chỉ tăng quy mô ĐTBD mà còn tăng cả nhiệm vụ biên soạn tài liệu ĐTBD. Đây là một thách thức lớn đối với Trường BDCB tài chính.

3.2 Các biện pháp thực hiện

(1). Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý cấp trên, phối hợp chặt chẽ với các Vụ, đơn vị có liên quan, các cơ sở ĐTBD để tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

(2). Chú trọng và nâng cao chất lượng xây dựng nội dung chương trình ĐTBD sát với nhu cầu, coi đây là điều kiện tiên quyết để tổ chức các lớp ĐTBD có chất lượng có độ hấp dẫn cao đối với người học. Hoàn thiện hệ thống tài liệu học tập và tài liệu tham khảo cho các lớp ĐTBD theo hướng gia tăng tỷ trọng chuyên có tình huống quản lý, nhằm nâng cao tính thực tiễn của hệ thống tài liệu học tập.

(3). Tổ chức lại các địa điểm ĐTBD để đảm bảo hiệu quả về giảng viên và về nguồn lực tài chính. Trong điều kiện đó, có thể tổ chức 1 số lớp riêng cho từng đơn vị để huy động sự tham gia tổng lực của các đơn vị.

 (4). Tăng cường phối hợp và gắn kết trách nhiệm với các đơn vị trong và ngoài Bộ ở tất cả các khâu của công tác ĐTBD, nhất là đối với Vụ TCCB và các Tổng cục để đảm bảo tính hiệu quả tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng và thời gian ĐTBD.

(5). Tăng cường các khóa ĐTBD có yếu tổ nước ngoài theo hướng chuyển giao công nghệ.

(6). Hoàn thiện, bổ sung danh mục giảng viên và chính sách chế độ đối với giảng viên kiêm chức trong giai đoạn mới.

 (7). Về tổ chức quản lý: Tăng cường vai trò chủ động của Trường BDCB. Sau khi Bộ phê duyệt kế hoạch (kế hoạch khối lượng và kế hoạch tài chính), Trường sẽ chủ động tổ chức các khóa ĐTBD trong tất cả các khâu.

 (7). Tăng cường đầu tư về trang thiết bị phục vụ học tập tại các CSVC hiện có. Tiến tới tận dụng công năng của khu tổ hợp ĐTBD tại Huế khi hoàn thành; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSVC tại Hưng Yên và TP.HCM để nhanh chóng có CSVC hiện đại phục vụ hoạt động ĐTBD.

 


[1] Có 40% ý kiến học viên cho rằng, Chương trình QLNN là phù hợp, 60% ý kiến đánh giá chương trình trùng lặp, thiếu thiết thực, nặng về lý thuyết, thiếu trang bị kỹ năng công vụ