banner
Hội thảo về Tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

06/07/2018 02:15 PM

 

Hình 1. PGS.TS Hoàng Trần Hậu phát biểu khai mạc hội thảo

 

Tham dự và trình bày tham luận về tài chính dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh nghiệm thực tiễn từ Trung Quốc có PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường BDCB tài chính, đồng chủ trì và diễn giả tại hội thảo; TS Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính; các diễn giả đến từ Bộ Tài chính Trung Quốc, Đại học Tài chính Thượng Hải; đông đảo đại biểu tham dự hội thảo đến từ các đơn vị, tổ chức có liên quan về tài chính, ngân hàng, nông nghiệp nông thôn nông dân tại tỉnh Khánh Hòa; một số trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu tại Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi, thảo luận, xây dựng khuyến nghị chính sách về một trong những chủ đề đang được quan tâm nhất tại nước ta hiện nay; là cầu nối giữa nhà quản lý, xây dựng chính sách, giới nghiên cứu và hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm đến tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện và to lớn. Tuy nhiên những thành tựu đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã đề ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 về “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Để xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông dân ở nước ta đến năm 2020 cần một nguồn lực tài chính khổng lồ và cần được sử dụng hiệu quả.

 

Hình 2. Toàn cảnh hội thảo, GS Bành Nhuận Trung đồng chủ trì hội thảo 

Hội thảo bao gồm 03 chủ đề chính: Chủ đề 1. Chính sách của Chính phủ Trung ương đối với tài chính cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Chủ đề 2. Các nguồn tài chính, nguồn vốn cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Chủ đề 3. Tác động và hiệu quả của tài chính “Tam nông”. Trên cơ sở đó có 06 tham luận trình bày của các diễn giả đến từ Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ Tài chính Trung Quốc và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế. Tại hội thảo các diễn giả, chuyên gia đến từ Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình nông thôn hiện đại, đầu tư, cung cấp tài chính và khuyến khích phát triển trong nông nghiệp, nông thôn với những mô hình tín dụng tương đối mới mẻ và hiệu quả; các chính sách và biện pháp khuyến khích của chính phủ, phân cấp về địa phương đối với nông nghiệp, nông thôn; sự dịch chuyển cơ cấu lao động nông nghiệp; vấn đề đầu tư tài chính cho nông nghiệp nông thôn gắn với “văn minh sinh thái”, “đời sống nông thôn”; khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp mới, các doanh nghiệp có tính chất đầu tàu…

Các diễn giả đến từ Việt Nam đã chia sẻ một số nội dung quan trọng liên quan đến chính sách để huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính đầu tư cho xây dựng nông thôn mới với thực trạng về việc huy động nguồn tài chính cho đầu tư xây dựng nông thôn mới; cơ cấu nguồn vốn; chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn; đánh giá khái quát về hạn chế và bài học đối với xây dựng nguồn tài chính cho đầu tư nông nghiệp, nông thôn gắn với mô hình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tiếp nối, PGS.TS Hoàng Trần Hậu đã trình bày hết sức chi tiết và có nhiều kiến giải đối với việc tác động của các chính sách tài chính vi mô và các mô hình tài chính vi mô hiện nay đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thông qua Hội thảo, một số khuyến nghị chính sách về tài chính nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ là một nguồn tham khảo có giá trị gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong chính sách tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam.

 

TH. Quang Anh