banner
Hội thảo về "Tài chính cơ sở hạ tầng đô thị" thành công tốt đẹp

06/07/2018 09:29 AM

 


Hệ thống giao thông tĩnh chưa phát triển, nguồn điện thiếu… là những hạn chế về cơ sở hạ tầng (CSHT) khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn băn khoăn khi định rót vốn vào Việt Nam. Đổi mới chính sách tài chính phát triển CSHT đô thị theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) không chỉ đem lại nguồn tài chính bền vững cho các dự án CSHT, mà còn giúp các quốc gia tăng trưởng. Đây là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo "Tài chính cho phát triển hạ tầng đô thị" do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính - Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Trung tâm Tài chính và Phát triển Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Tài chính Trung Quốc và Viện Phát triển Hàn Quốc tổ chức ngày 19-4 kết nối với 8 đầu cầu trên thế giới.

 

 

Tình trạng "Cái khó bó cái khôn"



Hệ thống giao thông phát triển, thuận lợi cho giao thương là một trong những yếu tố then chốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo hiệu quả tại các quốc gia. Tuy nhiên, các dự án xây dựng CSHT như đường bộ, đường sắt cao tốc, hải cảng, sân bay… đều đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ. Theo các chuyên gia tài chính, vai trò của Nhà nước trong phát triển CSHT rất quan trọng bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn. Tư duy này đã được hầu hết quốc gia trên thế giới áp dụng cho tới năm 1990. Song không phải quốc gia nào cũng có đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án nêu trên, điều này khiến CSHT tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, rơi vào tình trạng "Cái khó bó cái khôn". 

Theo PGS. TS. Đỗ Đức Minh, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, hệ thống CSHT tại Việt Nam hiện trong tình trạng thiếu đồng bộ và chậm phát triển, đang cản trở sự phát triển. Hệ thống giao thông mới có khoảng 100km đường cao tốc; chỉ có 50% đường được rải nhựa, đường 4 làn xe ở nước ta cũng chỉ chiếm 4%. Bên cạnh đó, nguồn cấp điện cũng luôn thiếu và phân phối kém; hạ tầng khu vực nông thôn phát triển chưa đồng đều. 

Huy động hiệu quả nguồn tài chính vững chắc bảo đảm cho các dự án phát triển CSHT được thực hiện đúng thời hạn luôn là vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia. Theo ông Kamran M.Khan, Giám đốc Chương trình Cụm kết nối đô thị, Ngân hàng thế giới, trong thập kỷ tới, khu vực ASEAN cần tới hơn 7.500 tỷ USD đầu tư phát triển CSHT. Trong khi đó, nguồn tài chính truyền thống thông qua các quỹ ngân sách công đã quá tải. Điều này cho thấy sự cần thiết phải đổi mới trong việc cung cấp tài chính phục vụ phát triển CSHT. 

Xã hội hóa nguồn vốn để phát triển hạ tầng

Các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, mô hình PPP (Public Private Partnerships), tạm gọi là hợp tác công - tư, chính là một giải pháp hiệu quả nhằm xã hội hóa nguồn vốn phát triển CSHT. Với mô hình này, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn bảo đảm lợi ích cho người dân. Giáo sư Byungho Oh, Trường Chính sách và quản lý công, Viện Phát triển Hàn Quốc KDI đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển CSHT tại quốc gia này. Ông cho biết, những năm 1950, tướng người Mỹ Douglas MacAthur, người chỉ huy cuộc chiến tranh Triều Tiên, cho rằng sẽ phải mất ít nhất 1 thế kỷ để tái thiết Hàn Quốc. Thế nhưng, với mô hình phát triển các đặc khu kinh tế để xuất khẩu, tạo việc làm và thu hút FDI, Hàn Quốc đã có những bước nhảy vọt. Nếu như năm 1961, chỉ số GNI (chỉ số thu nhập bình quân tính theo đầu người) của quốc gia này chỉ là 82 USD thì đến năm 2010, là 20.759 USD. Nguyên nhân là do mô hình PPP đã được Hàn Quốc sử dụng triệt để nhằm phát triển nhanh chóng, toàn diện CSHT mà không làm tăng các khoản vay của Chính phủ.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển của TP Thượng Hải (Trung Quốc), ông Liu Hanyong, Cục Tài chính đô thị Thượng Hải cho biết, với thành tích tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số trong 16 năm liên tiếp, Thượng Hải đã đóng góp 25% tổng giá trị xuất khẩu, 10% FDI và 4% GDP cho toàn quốc. Có được điều này là do Thượng Hải có hệ thống đường hầm và cầu qua sông Hoàng Phố dày đặc, mạng lưới tàu điện ngầm và hệ thống sân bay thuận tiện cho giao thương. Việc đa dạng hóa nguồn tài chính phát triển CSHT giúp Thượng Hải có đủ vốn để thực hiện các dự án quy mô lớn. Đơn cử dự án Laogang, với công suất chôn lấp 80 triệu mét khối rác thải trong 45 năm, bảo đảm hợp vệ sinh, có tổng vốn đầu tư ban đầu 629 triệu USD. Trong đó, riêng vốn góp của liên doanh nhà thầu (do Công ty Dịch vụ môi trường Veolia Châu Á-VES) đại diện đã lên tới 22 triệu USD. Đổi lại, liên doanh nhà thầu được nhượng quyền sử dụng khu chôn lấp trong vòng 20 năm. Điều này cho thấy, với những thỏa thuận phù hợp, mô hình PPP giúp nhiều quốc gia thực hiện các dự án hạ tầng quy mô cực lớn với số vốn vượt ngoài khả năng chi của Nhà nước…



Kinh nghiệm phát triển CSHT của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, việc xây dựng CSHT đồng bộ và hiện đại luôn đóng vai trò then chốt. Để đạt được điều này, ngoài vai trò của Nhà nước, việc xã hội hóa nguồn tài chính phục vụ dự án CSHT, thu hút khu vực tư nhân tham gia góp vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng, nhiều năm qua, Chính phủ đã dành lượng vốn lớn đầu tư cho lĩnh vực này. Trong giai đoạn 2001-2010, tỷ trọng vốn đầu tư cho toàn xã hội lên tới gần 40% GDP. Nếu như năm 2003, Việt Nam đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm 10% GDP thì tại Campuchia chỉ là 2,3%; Indonesia: 2,7%; Philippines: 3,6%... Mặc dù luôn được ưu tiên rót vốn, song cơ chế chính sách tài chính trong phát triển cơ sở hạ tầng còn tồn tại nhiều bất cập. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư còn dàn trải và kém hiệu quả; chưa có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư. Đây chính là khó khăn mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam phải giải quyết nhằm hướng tới việc xây dựng một hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.