banner
Thủ tướng phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

31/03/2020 10:24 PM

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đề án sẽ mở ra hướng phát triển mới cho thương mại hàng hóa nói chung và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử nói riêng

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020.

Mục tiêu của đề án là nhằm xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu.

Đề án cũng hướng tới xây dựng chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử như: quy trình thủ tục hải quan; cách xác định trị giá hải quan; việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành;  miễn cấp phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành.

Đề án đưa ra 3 nhóm giải pháp chính để thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là nhóm giải pháp đầu tiên được đề cập cụ thể với các giải pháp về thủ tục hải quan, về cấp phép, kiểm tra chuyên ngành và cách xác định trị giá tính thuế.

Đối với các giải pháp về thủ tục hải quan, đề án nêu rõ: thủ tục hải quan phải đơn giản, nhanh chóng, đảm bảo việc quản lý của cơ quan hải quan, thu đúng, thu đủ thuế xuất khẩu nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại.

Về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, đề án nêu ra giải pháp là bổ sung quy định về việc miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành trong  hai trường hợp: (i) có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng trở xuống, trừ trường hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thông báo gửi đến Tổng cục Hải quan hàng hóa không được phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành; (ii) có trị giá hải quan trên 1.000.000 đồng nhưng hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo số lượng/định lượng nhất định thì được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành. Các tổ chức, cá nhân không được thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các tổ chức, cá nhân mua hàng giao dịch qua thương mại điện tử khác. Trường hợp có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Về việc thời gian cập nhật kết quả kiểm tra chuyên ngành: theo đề án kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử phải được cập nhật trên Hệ thống xử lý chậm nhất 02 giờ làm việc sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành nhưng không được chậm hơn thời gian thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang triển khai thực hiện.

Đồng thời, để đảm bảo được việc bảo vệ an toàn thực phẩm, tránh lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, các trường hợp miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành không áp dụng trong trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia hoặc có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.

Đối với hàng hóa đang được lưu giữ trong kho ngoại quan (chưa làm thủ tục nhập khẩu), cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo đề nghị của doanh nghiệp là chủ hàng hóa hoặc được chủ hàng hóa ủy quyền thực hiện các thủ tục tại Việt Nam. Sau khi có kết quả cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện trừ lùi trên giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành để thực hiện thủ tục nhập khẩu cho từng đơn hàng khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Về cách tính trị giá hải quan, đề án quy định cụ thể nguyên tắc và phương pháp  xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu vừa để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển vừa đảm bảo đúng quy định hiện hànhvề trị giá hải quan.

Nhóm giải pháp thứ hai của Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, để đảm bảo có cơ sở dữ liệu để thực hiện việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thì cần thiết phải xây dựng một Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có các đặc điểm:

- Hệ thống được xây dựng nằm trong Hệ thống tổng thể quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tiếp nhận, lưu giữ thông tin liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử.

- Cập nhật các thông tin về các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng (thông tin về khuyến mại, chính sách bán hàng, thông tin về nhà vận chuyển, người bán hàng,…) và các cơ chế, chính sách quản lý về thương mại điện tử (chính sách thuế, mã số hàng hóa, danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành,….);

- Xử lý các thông tin được tiếp nhận và chia sẻ thông tin đến Hệ thống khác phục vụ nhu cầu quản lý; phân quyền cho các đối tượng tham gia vào Hệ thống; thực hiện xử lý thông tin trên Hệ thống để thực hiện: phản hồi cho người truyền dữ liệu, phản hồi cho cơ quan quản lý liên quan; thực hiện đánh giá rủi ro, cảnh báo cho các đơn vị quản lý; truyền dữ liệu đã xử lý đến các Hệ thống liên quan khác để thực hiện quá trình thông quan hàng hóa;

- Lưu giữ các thông tin cần thiết phục vụ công tác thống kê, báo cáo, là thông tin đầu vào cho các quá trình xử lý thông tin của ngành, lĩnh vực, nhà nước.

Nhóm giải pháp thứ ba của đề án là xây dựng chính sách quản lý giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử và xây dựng cơ chế thanh toán, bảo lãnh điện tử liên quan đến các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.

Để triển khai đề án, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng trình chính phủ Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử đảm bảo việc thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý theo đề án và trình Chính phủ trong quý IV 2020.

Bộ Tài chính cũng chịu trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện Hệ thống quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Đồng thời chủ trì tổng hợp, đánh giá hiệu quả của công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ 2020 đến 2025, đề xuất việc quản lý hoạt động này trong thời gian tiếp theo.

Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được ban hành đã thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng, nhà nước trong việc phát triển và đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Đây sẽ cơ sở để thực thi các giải pháp nhằm hoàn thiện về cơ chế, chính sách và đảm bảo cho sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.​

Nguồn: www.customs.gov.vn